Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Tận mắt xem Lý Hoàng Nam tranh tài ở Hà Nội, TP HCM

Sau hơn 1 năm vắng mặt ở các giải trong nước, dự kiến Lý Hoàng Nam tham dự 2 giải đấu ở Hà Nội & TP HCM trong thời gian tới.

Lý Hoàng Nam đang nổi lên như là tay vợt số một Việt Nam trong vài năm đổ lại đây. Đặc biệt, sau chức vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015 vừa qua, không ít người hâm mộ banh nỉ trong nước mong muốn được xem trực tiếp tay vợt đang đầu quân cho CLB B.Bình Dương thi đấu.

Hồi năm ngoái, Hoàng Nam đã không được tham dự giải vô địch quần vợt nam toàn quốc lẫn Đại hội TDTT toàn quốc 2014 do bị Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cấm thi đấu ở trong nước. Nhưng theo thông tin mới nhất từ Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, gần như chắc chắn tay vợt quê gốc Tây Ninh sẽ tham dự giải quần vợt toàn quốc 2015 diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 10 sắp tới.

Như vậy, sau gần 2 năm thì Hoàng Nam mới tái ngộ khán giả hâm mộ quần vợt ở Hà Nội. Bởi ở giải vô địch quần vợt nam toàn quốc năm 2012, Hoàng Nam lần đầu lên ngôi vô địch và đến năm 2013, tay vợt của B.Bình Dương tiếp tục bảo vệ thành công chức vô địch khi giải đấu được tổ chức tại Hà Nội.
 
Tận mắt xem Lý Hoàng Nam tranh tài ở Hà Nội, TP HCM
Lý Hoàng Nam đang có lịch thi đấu khá dày đặc

Kết thúc giải vô địch quần vợt nam toàn quốc 2015, như đã thông tin trước đó, Hoàng Nam sẽ tiếp tục tham dự một giải đấu trong nước ở TP HCM. Đó là giải quần vợt nhà nghề nam ATP Challenger TP HCM 2015. Giải đấu dự kiến sẽ được tổ chức ở CLB quần vợt Lan Anh từ ngày 12 đến 18/10.

Được biết, ATP Challenger TP HCM 2015 là giải đấu có đẳng cấp cao hơn hẳn so với các giải đấu trong hệ thống Men’s Future mà Hoàng Nam đang tham dự ở Ai Cập. Vậy nên, giải đấu được tổ chức ở TP HCM là cơ hội để Hoàng Nam tiếp tục thăng tiến trên bảng xếp hạng ATP (Hoàng Nam vừa tăng 7 bậc, từ hạng 1.317 lên hạng 1.310).

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, với tư cách chủ nhà, Việt Nam được Hiệp hội Quần vợt nhà nghề nam TG (ATP) trao 2 suất đặc cách vào vòng chính đơn nam và 2 suất vòng chính đôi nam. Liên đoàn quần vợt Việt Nam đã quyết định chọn Lý Hoàng Nam (18 tuổi) và Nguyễn Hoàng Thiên (20 tuổi), những tay vợt xuất sắc nhất của Việt Nam thời điểm hiện tại để trao vinh dự này.

Ngoài ra, nhiều khả năng Hoàng Nam sẽ tái hợp với Sumit Nagal (Ấn Độ) – tay vợt cùng Hoàng Nam đăng quang nội dung đôi nam trẻ Wimbledon 2015, ở nội dung đánh đôi tại ATP Challenger TP HCM 2015. Hiện tại, Hoàng Nam vẫn đang tham dự các giải đấu trong hệ thống Men’s Future được tổ chức ở Ai Cập. Đầu tháng 9, tay vợt số 1 Việt Nam lên đường sang Mỹ dự US Open trẻ 2015.
 
Nguồn: Thể thao 24h

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

US Open 2015, còn 4 ngày: Djokovic thêm một lần lỡ hẹn?

Những thất bại ở chung kết Montreal và Cincinnati không làm giảm đi cơ hội vô địch của Djokovic tại US Open năm nay, nhưng đó cũng là lời cảnh báo về một giải đấu đầy rẫy những khó khăn trước mắt.

Nếu như thất bại trước Murray cách đây hơn 1 tuần chỉ là lần đầu tiên Djokovic thất bại trong trận cuối cùng tại Montreal Masters thì trận thua tâm phục khẩu phục trước Federer vừa rồi đã là lần thứ 5 anh lỗi hẹn với Cincinnati Masters. Nếu tính thêm 4 lần về nhì tại US Open, Djokovic đã thất bại ở 9/10 trận chung kết diễn ra vào mùa Hè trên đất Mỹ.

Djokovic và điểm yếu trên mặt sân nhanh

Điều này hoàn toàn trái ngược với thành tích gần như hoàn hảo tại Indian Wells và Miami khi Djokovic thắng 9/11 trận chung kết đã góp mặt. Điều gì đã làm nên sự trái ngược này?

Câu trả lời nằm ở mặt sân. Djokovic mạnh nhất trên mặt sân cứng nhưng anh chỉ thật sự xuất sắc trên những mặt sân bóng đi chậm và trung bình. Kể từ khi Australian Open thay thế Rebound Ace bởi Plexicushion được đánh giá an toàn và nhanh hơn, Djokovic biến Melbourne thành thánh địa của mình với 5 lần vô địch. Điều đó nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng trên thực tế, Plexicushion là một bước lùi so với Rebound Ace về tốc độ. Mặt sân mới này đã vấp phải nhiều chỉ trích từ chuyên gia trên các mặt sân nhanh Roger Federer và cựu số 1 thế giới Lleyton Hewitt.

Cũng như tại Australian Open, Djokovic thống trị Indian Wells (mặt sân Plexipave IW thuộc Nhóm 1: Chậm) và Miami (Laykold Cushion Plus System thuộc nhóm 3: Trung bình) nhưng thất bại ở 10/14 trận chung kết tại Montreal Masters, Cincinnati Masters và US Open với mặt sân Pro DecoTurf II thuộc nhóm 4 (Trung bình – Nhanh). Rõ ràng, DecoTurf vẫn luôn là mặt sân mang lại nhiều kỷ niệm buồn cho tay vợt số một thế giới.

Ban tổ chức US Open muốn gì?

Trong khi ban tổ chức Australian Open đang làm mọi cách để giữ lại giải Grand Slam đã tồn tại 110 năm trước sự tấn công của Trung Quốc và những nước Trung Đông thì US Open với danh tiếng vượt trội vẫn tiếp tục là cỗ máy kiếm tiền nhờ sự thực dụng của những người điều hành giải đấu.

Khác với 3 giải Grand Slam còn lại, việc sử dụng tie-break ở set 5 khiến cho các trận đấu không bị kéo dài quá mức, đảm bảo được lịch thi đấu cũng như lịch phát sóng. Không chỉ có vậy, nếu không vì điều kiện thời tiết, các trận đấu vẫn sẽ được diễn ra bất kể giờ giấc (Nadal năm 2010 từng ra sân vào lúc 12h đêm!). Điều này rất khác với Wimbledon khi các trận đấu thường dừng trong khoảng 9h-9h30 (giờ địa phương), thậm chí với trận đấu ở sân Trung tâm có mái che, các tay vợt cũng chỉ phải thi đấu đến 11h.

Với những toan tính như vậy, người hâm mộ hoàn toàn có cơ sở để tin vào cáo buộc rằng ban tổ chức US Open đã chủ động “chọn” người thi đấu trận chung kết bằng cách làm tốc độ mặt sân trung tâm Arthur Ashe chậm hơn Louis Armstrong. Rõ ràng, trận chung kết với sự góp mặt của những Djokovic, Murray hay Nadal sẽ có nhiều khả năng kéo dài hơn sự có mặt của Federer. Thực tế cũng cho thấy trong 5 năm qua, US Open, ngoại trừ 2014, là chuyện nội bộ của bộ 3 nói trên. Còn Federer? Anh đã không một lần lọt vào chung kết kể từ trận thua trước Del Potro năm 2009.

Năm 2006, việc Mauresmo, HLV hiện tại của Murray, vô địch Australian Open với 3 lần chiến thắng nhờ đối thủ bỏ cuộc (2 trong 3 đến ở trận bán kết và chung kết) giống như 1 giọt nước làm tràn ly khiến BTC Australian Open quyết tâm khai tử Rebound Ace. Nếu không có sự việc đó, rất có thể Djokovic sẽ không thể thống trị Australian Open, và số danh hiệu Grand Slam của Federer cũng không chỉ dừng ở con số 17. Không ai có thể phủ nhận tài năng của Djokovic nhưng việc thất bại quá nhiều trên mặt sân DecoTurf (và đất nện) sẽ khiến anh khó có thể đạt được tầm vóc của Federer hay Nadal.

Thêm một kỷ niệm buồn nữa cho Djokovic tại Flushing Meadows năm nay?
 
Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Lý Hoàng Nam đụng hạt giống ngay vòng một giải F28 Futures

Được miễn vòng loại nhưng tay vợt Việt Nam ngay lập tức đối đầu hạt giống số tám người Luxembourg Ugo Nastasi trong trận chính thức đầu tiên diễn ra tối 26/8.
 
Lý Hoàng Nam đụng hạt giống ngay vòng một giải F28 Futures
Được miễn vòng sơ loại nhưng đối thủ ngay vòng chính của Hoàng Nam lại rất nặng ký. Ảnh: Đức Đồng.

F28 Futures là giải nhà nghề thứ ba liên tiếp Lý Hoàng Nam tham gia ở Ai Cập. Tại giải F26 Nam anh dừng bước ngay vòng đấu chính đầu tiên, trước khi bất ngờ vào đến bán kết giải F27.

Ugo Nastasi đang đứng thứ 716 ATP và năm nay 22 tuổi, trong khi Hoàng Nam xếp vị trí 1.310 ATP, có ít kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, tại giải F27 vừa qua, tay vợt số một Việt Nam từng đánh bại nhiều đối thủ được đánh giá cao hơn như Eremin Edoardo (470 ATP) hay Baris Erguden (650 ATP)

Sau giải F28, Hoàng Nam sẽ sang Mỹ dự giải trẻ Mỹ mở rộng diễn ra từ ngày 6/9 đến 13/9. Anh là người Việt Nam đầu tiên tham dự cả bốn giải trẻ Grand Slam trong một năm. Thành tích tốt nhất của Hoàng Nam ở những giải đấu danh giá này là chức vô địch đôi nam trẻ ở Wimbledon cùng Sumit Nagal (Ấn Độ).

Hoàng Nam chỉ tăng bảy bậc theo xếp hạng được công bố hôm qua của ATP, do Hiệp hội quần vợt nhà nghề thế giới mới cập nhật kết quả của giải F26. Trong tuần tới, thứ bậc của tay vợt quê Tây Ninh chắc chắn sẽ cải thiện khi được tính thành tích ở giải F27.
 
Nguồn: Thể thao Vnexpress

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Cuộc cạnh tranh major: Không còn chỗ cho những tay mơ

Đã hết rồi thời kỳ của Ben Curtis, Rich Beem hay Shaun Micheel - những golf thủ cùng từng gây bất ngờ khi giành được đúng một danh hiệu major trong sự nghiệp nhà nghề. Cuộc đua ở các giải lớn ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Jason Sobel, nhà báo chuyên về golf của ESPN, khẳng định khi viết bài này, ông không hề có ý muốn xúc phạm các nhà vô địch major không được dự báo trước trong khoảng 15 năm qua.

Bởi Curtis đã phải chống lại một loạt các ứng viên sáng giá khi vô địch giải British Open (The Open) năm 2003. Beem đã thắng giải US PGA 2002 với thành tích một gậy tốt hơn Tiger Woods ngay khi golf thủ vĩ đại của Mỹ còn trên đỉnh cao phong độ. Micheel đã phải thực hiện một trong những cú đánh áp lực nhất lịch sử golf mới có được danh hiệu US PGA 2003, với cách biệt chỉ hai gậy tốt hơn người đứng thứ hai. Cả ba golf thủ này đều xứng đáng với những lời ngợi khen xuất hiện sau khi họ vươn tới đỉnh cao ở đúng một giải major trong sự nghiệp.
 
Cuộc cạnh tranh major: Không còn chỗ cho những tay mơ
Những golf thủ từng vô địch major như Micheel chỉ toả sáng một lần rồi thôi.

Dù vậy, làng golf thế giới hiện nay đã ở vào một kỷ nguyên mới. Các golf thủ hàng đầu ngày càng không chỉ chơi tốt hơn thời trước, mà họ còn ngày càng trẻ hơn. Top ba hiện tại gồm toàn golf thủ từ 27 tuổi trở xuống và đã cùng nhau thắng tới năm trong tổng số sáu giải major gần đây. Những golf thủ ưu tú bây giờ không phải chỉ có khả năng chiến thắng một ngày nào đó trong sự nghiệp, mà họ có khả năng chiến thắng ngay hôm nay.

Golf hiện đại ngày càng khắc nghiệt và đòi hỏi sức trẻ. Jason Day từ lâu đã được coi là một trong những golf thủ hay nhất đương đại, nhiều lần ở rất gần cơ hội đăng quang nhưng phải tới chủ nhật vừa qua golf thủ 27 tuổi người Australia này mới lần đầu tiên giành danh hiệu major. Anh vươn từ vị trí thứ năm lên thứ ba thế giới sau chức vô địch US PGA, nhưng cũng ngay lập tức trở thành người già nhất trong top ba bảng xếp hạng thế giới mới nhất. Tân số một thế giới Jordan Spieth mới 22 tuổi, đã có hai danh hiệu major, bằng với golf thủ đã 36 tuổi và hiện đứng số bốn thế giới Bubba Watson. Người vừa xuống thứ hai, Rory McIlroy, đã có bốn major ở tuổi 26.

Đột nhiên, những gì diễn ra ở sân chơi của các golf thủ nam tương tự với làng quần vợt nam, với chỉ một nhóm không nhiều các siêu sao thay nhau giành các danh hiệu lớn. Nhóm này không có chỗ cho những người được coi là ứng viên nhưng chưa thể vô địch. Vẫn có trường hợp ngoại lệ là Zach Johnson, golf thủ 39 tuổi vô địch The Open hồi tháng trước. Nhưng ngôi sao người Mỹ này trước đó đã có tên tuổi, với danh hiệu Masters 2007. Hơn thế, ở giải đấu tại Scotland hồi tháng bảy, anh lọt vào vòng play-off tranh chức vô địch cùng hai golf thủ khác với chỉ một gậy tốt hơn so với đồng hạng bốn Jordan Spieth và Jason Day.

Johnson không phải là một hiện tượng mới vụt chói sáng, cho dù có gây chút bất ngờ khi vô địch giải major thứ ba của năm 2015.

Người gần đây nhất gây kinh ngạc khi giành một major là Todd Hamilton, ở The Open từ năm 2004. Anh không phải là golf thủ cuối cùng chỉ có đúng một major, mà là người gần đây nhất đột ngột đăng quang theo cách gây sốc cho tất cả. Kể từ đó, 11 năm qua, danh sách các nhà vô địch major chỉ gồm toàn các golf thủ tuyệt vời và những người chơi thực sự tốt trong một khoảng thời gian nào đó.
 
 
Cuộc cạnh tranh major: Không còn chỗ cho những tay mơ
Những hiện tượng như Todd Hamilton ngày càng xuất hiện ít trong làng golf. Ảnh: Courier.

Hiện giờ, với thế áp đảo của các golf thủ được coi là “những tay súng trẻ”, những người đang thi nhau vô địch major, thì ngày càng khó khăn hơn gấp bội cho bất cứ kẻ “ngoài cuộc” nào có thể chen chân vào nhóm siêu sao này.

“Tôi nghĩ rằng golf hiện giờ ở vào giai đoạn khốc liệt”, Jason Day phát biểu sau khi vô địch US PGA tuần trước. Anh nói thêm: “Cách đây khoảng ba đến năm năm, vẫn còn chút khó khăn để xác định xem ai sẽ thực sự là số một thế giới, ai sẽ là golf thủ hay nhất thế giới sau thời của Tiger Woods, vì lúc đó không có ai thực sự vượt trội. Rồi mẫu golf thủ như Rory McIlroy đã xuất hiện và thực sự áp đảo. Suốt một thời gian không ai có khả năng rõ ràng chiếm ngôi số một của cậu ấy, cho tới trước Jordan Spieth mới đây”.

Thời thế đã đổi thay nhiều. Kỷ nguyên của Tiger Woods đã chấm dứt. Khi mà golf thủ 39 tuổi này đang chật vật tìm lại chút hình bóng của chính anh thời hoàng kim, thì thế hệ hậu bối đang ganh đua quyết liệt theo gương của chính anh thời trẻ.

Woods có danh hiệu major đầu tiên khi anh mới 21 tuổi. Hồi ấy, đó là một kỳ tích được đánh giá là khó có ai khác đủ khả năng đạt được. Còn ngày nay, các golf thủ hiểu rằng vô địch major ở độ tuổi trẻ như vậy không phải là điều không thể xảy ra. Spieth đã trở thành golf thủ trẻ thứ hai thắng giải Masters, sau Woods. Và sau đó golf thủ 22 tuổi này còn trở thành nhà vô địch US Open trẻ nhất kể từ thời Bobby Jones năm 1923.

Thế hệ golf trẻ tài năng hiện nay chọn lối đánh bóng dài hơn, trực diện hơn và cao hơn mọi thế hệ trước đây. Các golf thủ ưu tú hiện nay cũng sớm có sự tự tin rất cao vào khả năng của bản thân như Tiger Woods thời đỉnh cao.

Về tính cạnh tranh hiện tại, Spieth nhận xét: “Không thành vấn đề khi bạn đã vô địch một major trước đó hay chưa. Điều đó có vẻ đã giúp tôi phần nào trong chiến thắng ở US Open, ngay sau Masters. Nhưng tại đây, ở US PGA, chúng tôi đã làm tất cả những gì chúng tôi có thể, và như thế vẫn chưa đủ bởi vì Jason Day đơn giản đã chơi thực sự tuyệt vời”.
 
Cuộc cạnh tranh major: Không còn chỗ cho những tay mơ
Spieth, Day và McIlroy (từ trái sang) đều là những golf thủ kiệt xuất, thống trị các giải major gần đây, khiến các sân chơi này không còn có chỗ cho những hiện tượng.

Khi bước vào vòng đấu cuối tại US PGA vừa qua, Spieth ước tính anh cần phải đạt thành tích không tệ hơn 68 gậy (tức bốn gậy âm so với tiêu chuẩn par 72), mới có thể vô địch, bởi sau ba vòng Jason Day dẫn đầu với thành tích tốt hơn anh hai gậy. Spieth làm được điều cần: đánh đúng 68 gậy. Nhưng Day, ở thế tự quyết, đã hoàn tất bốn vòng đấu với tổng thành tích 20 gậy âm, kỷ lục ở một giải major, qua đó tốt hơn đối thủ người Mỹ ba gậy.

Câu lạc bộ thượng hạng hiện tại, với Jordan Spieth, Rory McIlroy, Jason Day, có lẽ cũng sẽ không giữ được thế độc quyền vô địch major quá lâu nữa. Số bảy thế giới Dustin Johnson và số tám thế giới Rickie Fowler – hai người trong số những golf thủ hàng đầu chưa bao giờ vô địch major – đều tỏ ra quyết tâm thay đổi định mệnh, giành ít nhất một major trong sự nghiệp.

Golf thủ Mỹ 25 tuổi Brooks Koepka, hiện ở vị trí 17 thế giới, cũng đã cho thấy tiềm năng cạnh tranh danh hiệu major thời gian tới. Patrick Reed (25 tuổi, số 18 thế giới) và Hideki Matsuyama (golf thủ số 16 thế giới, 23 tuổi người Nhật Bản) cũng đều có khả năng vươn tới đỉnh cao major.

Tất cả những điều trên hứa hẹn về một thời kỳ vàng son sắp xảy ra ở làng golf thế giới, với rất nhiều tài năng đang chơi rất tốt ở nhiều giải đấu lớn.
Nguồn: Thể thao Vnexpres

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Tiger Woods lỡ cơ hội vô địch Wyndham Championship

Vòng đấu cuối cùng golf thủ cựu số một thế giới chỉ đánh đúng tiêu chuẩn 70 gậy, để vuột chức vô địch vào tay Davis Love.
 
Tiger Woods lỡ cơ hội vô địch Wyndham Championship
Woods không giữ được sự chính xác như những vòng đấu trước. Ảnh: US Today.

Vòng đấu hôm qua chính là khác biệt làm nên thành công của Davis Love và thất bại của Tiger Woods.

Love đánh 64 gậy để kết thúc giải với tổng cộng 17 gậy âm - một gậy tốt hơn Jason Gore. Golf thủ 51 tuổi khởi đầu bằng bogey ở hố đầu tiên, nhưng ngay lập tức birdie liên tiếp ở ba hố ngay sau.

Ông sau đó ghi một eagle ở hố thứ năm par 5, rồi kiếm thêm một gậy golf ở hố sáu. Love tiếp tục một vòng đấu nhiều cảm xúc bằng bogey ở hố thứ bảy, lần mất điểm thứ hai trong ngày, trước khi eagle ở hố 15 để trở thành người nhiều tuổi thứ ba chiến thắng ở một giải thuộc PGA Tour. Đây cũng là lần thứ ba Love lên ngôi ở giải đấu này.

Ở chiều ngược lại, Tiger chung cuộc đạt 13 gậy và lỡ cơ hội giải cơn khát danh hiệu từ năm 2013 dù đã vươn lên đồng dẫn đầu sau hai vòng.

Với mục tiêu kết thúc tối thiểu ở vị trí thứ hai để có suất dự FedEx Cup play-offs, anh bước vào ngày thi đấu cuối cùng đầy thận trọng và kết thúc chín hố đầu bằng chuẩn 35 gậy với một bogey và một birdie.

Tuy nhiên, thảm họa xảy đến ở hố 11 par 4 - nơi anh triple-bogey, rồi mất thêm một gậy ở hố tiếp theo. Những nỗ lực sau cuối không đủ để golf thủ đang đứng thứ 286 cải thiện, chấp nhận đứng đồng hạng 10.

Nguồn: Thể thao Vnexpress

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

150 golf thủ dự giải đấu thường niên của Tạp chí Golf Việt Nam

Đã trở thành giải đấu thường niên mang thương hiệu VGM - Vietnam Golf Magazine Open 2015 hứa hẹn mang đến những dấu ấn riêng cho phong trào golf tại miền Bắc.
 
 150 golf thủ dự giải đấu thường niên của Tạp chí Golf Việt Nam
 
Xuất phát từ mục đích góp phần tạo ra một sân chơi thân thiện cho các doanh nhân và thúc đẩy vào sự phát triển phong trào golf và du lịch golf khu vực miền Bắc, Tạp chí Golf Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Mercedes-Benz Việt Nam tổ chức giải Vietnam Golf Magazine Open 2015 và vòng loại Mercedes Trophy 2016 tại sân golf BRG Kings’ Island, Đồng Mô, Hà Nội vào thứ Bảy (ngày 5/9). Đây là sân golf đầu tiên của Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng: “Sân golf tốt nhất Việt Nam 2014”, do Tạp chí Asian Golf Monthly bình chọn.

Dự kiến giải thu hút gần 150 golf thủ là các khách mời danh dự, các doanh nhân và các Hội viên golf đến từ các CLB Golf ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh phía Bắc và cộng đồng golf cả nước.

Giải thi đấu theo thể thức đấu gậy golf handicap ngày, xếp flight theo handicap chính thức. Nhiều phần thưởng có giá trị dành cho ba bảng A,B,C và giải kỹ thuật, giải Vô địch (Best gross), năm golf thủ có điểm số tốt nhất (đang sở hữu xe Mercedes) sẽ được mời tham dự Chung kết Mercedes Trophy Final 2016 và có cơ hội đi dự vòng chung kết khu vực châu Á tổ chức tại Australia.
 
Nguồn: Vnexpress

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Lý Hoàng Nam bất ngờ vượt qua hạt giống số 3 tại giải F27 Futures

Lý Hoàng Nam bất ngờ vượt qua hạt giống số 3 tại giải F27 Futures
 
Chạm trán đối thủ nặng ký hạng 470 thế giới ở vòng 1 giải F27 Futures nhưng Lý Hoàng Nam đã thi đấu xuất sắc và giành vé vòng 2 một cách khá may mắn.

Hành trình tiến vào vòng đấu chính giải F27 Futures diễn ra tại Ai Cập của Lý Hoàng Nam tương đối dễ dàng khi anh đều vượt qua Youssef Hossam (Ai Cập) và Anthony Turchi (Pháp) chỉ sau 2 set. Tuy nhiên, ngay ở vòng 1, tay vợt số 1 Việt Nam đã phải đọ sức với hạt giống số 3 của giải là Eremin Edoardo (Italy), người hiện có thứ hạng hơn Hoàng Nam tới 847 bậc.

Dù bị đánh giá thấp hơn đối thủ nhưng Hoàng Nam vẫn thể hiện sự tự tin của mình khi thi đấu giằng co với Edoardo ở 10 game đầu tiên set 1. Sau đó, Hoàng Nam xuất sắc giành break ở game thứ 11 trước khi thắng set 1 với tỷ số 7-5.

Sang set 2, sau khi Hoàng Nam giành thắng lợi ở game đầu tiên, Edoardo bất ngờ xin bỏ cuộc vì vấn đề thể lực và nhường quyền đi tiếp cho tay vợt của Việt Nam. Chiến thắng may mắn này đã đưa Hoàng Nam vào vòng 2, nơi anh sẽ đối đầu với tay vợt hạng 1082 thế giới Cameron Silverman của Mỹ.

Trước đó, tại giải F26 Futures cũng diễn ra tại Ai Cập, Hoàng Nam đã không thể vượt qua vòng 1 khi để thua Tomas Papik của CH Czech.

Nguồn: Thể thao VTV

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Sharapova và Venus Williams rút khỏi Cincinnati Masters

Số 2 thế giới, Maria Sharapova - tay vợt phải vật lộn với chấn thương chân phải không đầy nửa tháng trước lúc giải Mỹ mở rộng khởi tranh, đã thông báo quyết định rút khỏi Cincinnati Masters vào đêm thứ Ba (18-8). Cùng với Sharapova, tay vợt người Mỹ, Venus Williams cũng lỗi hẹn với sự kiện ở Ohio, Mỹ.

Nữ hoàng quần vợt người Nga không tham dự giải đấu nào từ Wimbledon và trì hoãn ngày trở lại thêm 1 tuần sau khi từng dự định góp mặt ở Rogers Cup. Kế hoạch này tiếp tục phải thay đổi bởi Sharapova không dám mạo hiểm với tình hình sức khỏe trước thềm giải Mỹ mở rộng, Grand Slam cuối cùng của năm (khởi tranh vào 31-8).
 
Sharapova và Venus Williams rút khỏi Cincinnati Masters

Theo tay vợt tennis từng giành 5 danh hiệu Grand Slam, chấn thương chân phải của cô tiến triển rất tốt, nhưng chưa bình phục hoàn toàn.

Cùng với Sharapova, tay vợt nữ của Mỹ, Venus cũng rút khỏi Cincinnati Masters vì lý do sức khỏe. Cô chị nhà Williams đã chơi trận mở màn, vượt qua Zarina Dyas, nhưng cảm thấy không đủ sức khỏe để góp mặt tại vòng 2, nơi cô gặp Ana Ivanovic. Thông tin từ BTC Cincinnati Masters cho biết, Venus bị sốt virus.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Jason Day: Từ nghèo khó vươn tới đỉnh cao danh hiệu major

Golf thủ số ba thế giới người Australia cho biết chính khó khăn của cuộc sống đầu đời và sự hy sinh của gia đình đã trở thành động lực giúp anh vô địch US PGA 2015 - danh hiệu major đầu tiên trong sự nghiệp.

Jason Day bén duyên với golf từ rất sớm, nhưng theo cách có lẽ không giống bất cứ một ngôi sao golf hiện đại nào. Bố đưa cho anh một gậy golf cũ mà ông tìm thấy ở một bãi rác đâu đó tại Australia, khi anh mới chỉ là cậu nhóc ba tuổi. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Day nói rằng thành công của anh được vun đắp bằng tình yêu và sự tận tâm của gia đình mình.

Chuyển sang thi đấu nhà nghề từ năm 2006, Day từ lâu đã được coi là một trong những golf thủ đương đại hay nhất. Nhưng phải sau chín lần kết thúc một giải major trong top 10, trong đó có tới sáu lần chiếm một vị trí top bốn, golf thủ tài năng 27 tuổi này mới được ôm chiếc Cup major đầu tiên của sự nghiệp. Bước ngoặt lớn trong nghiệp golf của Day được đánh dấu bằng một kỷ lục tại một giải major: vô địch với tổng thành tích 20 gậy âm, tốt hơn một gậy so với kỷ lục cũ mà Tiger Woods thiết lập suốt từ năm 2000 ở giải The Open. Sân Whistling Straits những ngày cuối tuần qua đã chứng kiến một Jason Day vẫn tài năng, đồng thời chiến thắng bản thân ở sự kiên nhẫn và tính kỷ luật. Nhiều giải major trước đó, anh đã để tuột cơ hội trong gang tấc, còn tại US PGA lần này anh đã thắng cuộc đua tranh quyết liệt với chỉ ba gậy tốt hơn tân số một thế giới Jordan Spieth.

Thời điểm Day vô địch US PGA 2015 cũng chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc sống của anh. Nó như một trang đầu trong chương mới của truyện cổ tích bắt đầu với hoàn cảnh khó khăn.
 
Jason Day: Từ nghèo khó vươn tới đỉnh cao danh hiệu major
Day đi lên từ nghèo khó, trước khi đổi đời nhờ theo đuổi nghiệp golf. Ảnh: Reuters.

Khi cha anh, ông Alvin, qua đời vì ung thư dạ dày, Day lúc đó mới 12 tuổi. Ngày đó anh là một cậu bé hay gây rắc rối, trong một thế giới có vẻ có quá ít cơ hội dành cho một đứa bé con nhà nghèo sớm mồ côi cha.

Trong ngày đầy cảm xúc, Day nhắc lại thời xa xưa: “Tôi đã tham gia vào những trận đánh nhau ở các trường học, và tôi đã uống rất nhiều thời tuổi trẻ. Khi tôi mất cha, không còn ai ở bên để chỉ bảo tôi phải sống có kỷ luật. Và tôi đã giống như nhiều cậu bé khác, thích gây rối và làm những việc điên cuồng. Gia đình chúng tôi khi đó mỗi người một nơi. Chị gái tôi phải bỏ nhà đi khoảng bốn năm, sống trên các con phố. Tôi đã không biết lúc đó chị ấy ở đâu, và rồi tôi gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống. Cha tôi, ông đã rất nghiêm khắc với chúng tôi khi còn sống. Nhìn chung ông không phải là người cha vĩ đại nhất, nhưng vẫn là một trụ cột. Vì vậy chúng tôi giống như một gia đình tan vỡ sau khi cha tôi qua đời”.

Day có thể đã không nói về người cha mang hai dòng máu Ireland và Australia của mình với sự ngưỡng mộ, nhưng anh biết rằng nếu không nhờ có cây gậy golf cũ mà ông Alvin nhặt ở bãi rác về thì cuộc đời anh có thể đã đi theo hướng khác hẳn.

Cuộc sống gia đình anh từng rất khó khăn, tiền là một thứ gì đó rất khan hiếm. Mẹ anh, Dening, người gốc Philippines, đã phải đun nước để cả nhà có thể tắm vào mùa đông. Bà còn phải cắt cỏ bằng tay, dùng một con dao để cắt từng ngọn cỏ vì không có tiền sửa máy cắt cỏ bị hỏng.

Khi còn là một thiếu niên, Day thường hành động như một kẻ hoang dã, sống bất cần và bị xa lánh. Anh uống rượu, lao vào những trận ẩu đả tại các trường học, và về nhà rất khuya.

Nhưng golf cuối cùng đã đưa anh trở lại con đường đúng. “Mọi thứ thực sự đã diễn ra như là định mệnh vậy. Có ai mà biết trước rằng một đứa trẻ sống ở một trang trại ở Beaudesert, thuộc vùng Queensland, Australia, sau này sẽ trở thành một nhà vô địch US PGA Championship? Tôi từng không dám mong đợi điều đó, vì vậy danh hiệu major là điều tuyệt vời với cuộc đời tôi", Day nói thêm. Giờ thì tổng thu nhập trong sự nghiệp golf nhà nghề của anh đã là hơn 23 triệu đôla, sau khi thắng giải đấu thứ ba riêng trong năm nay.

Danh hiệu US PGA không chỉ đưa anh lên vị trí thứ ba thế giới, mà còn giúp anh có thêm 1,8 triệu đôla tiền giải thưởng. Nếu cuộc sống đầu đời của anh như vực sâu, thì hiện tại của anh là đỉnh cao, ít nhất là trong làng golf thế giới. Niềm hạnh phúc với anh hiện giờ không chỉ là tiền tài và danh vị, mà còn là niềm vui được chia sẻ. Những người thân yêu đợi anh ngay bên hố golf cuối cùng tại Whistling Straits là vợ Ellie, và con trai ba tuổi Dash. Họ còn sắp đón đứa con thứ hai vào tháng 10 năm nay.

Ellie luôn đi theo chồng tới các giải đấu. Cô từng cuống cuồng vượt rào vào xem xét tình hình sức khỏe chồng ra sao, khi anh quỵ ngã ngay trên sân đấu ở cuối vòng hai giải US Open hồi tháng sáu vì chứng tiền đình. Cô đã trực tiếp đưa diễn biến về vòng đấu cuối của chồng ở US PGA lên mạng xã hội Twitter. Cô đã ôm lấy chồng ngay bên hố golf thứ 18, khi anh không thể kìm được những giọt nước mắt sung sướng vì danh hiệu major đầu tiên. Cô đã chia sẻ với anh một cuộc sống gia đình mà có lẽ Day từng không dám nghĩ tới khi còn là một cậu bé quậy phá.

Nhưng mẹ anh mới là người phụ nữ mang anh trở lại với golf. Bà đã thế chấp ngôi nhà và vay mượn thêm tiền từ người thân họ hàng để gửi anh theo học ở một trường nội trú. Cuộc sống của Day đã thay đổi, bắt đầu từ những ngày ở trường quốc tế Kooralbyn. Tại đó, anh đã gặp một người đàn ông có công chỉ dẫn anh tới với giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Đây cũng chính là người sau này và cho tới tận hiện nay luôn mang túi đồ theo anh trên các sân golf nhà nghề.

Ông tên là Colin Swatton, người cùng lúc đóng vai trò là HLV đầu tiên của Day, người cố vấn, caddie và là người cha thứ hai của anh. Day chịu ơn Swatton, người đã ở bên từ khi anh mới 12 tuổi, không chỉ giúp anh tiến bộ thành một trong những golf thủ hàng đầu thế giới mà còn trở thành một người đàn ông có trách nhiệm.

Họ đã không thể tách rời nhau 15 năm qua, kể từ khi Day vào học trường nội trú và còn là một cậu bé thích gây rối, thích uống rượu để làm dịu những cơn giận dữ.

"Colin luôn cởi mở và giúp tôi học hỏi nhiều điều. Ông giúp tôi có thể thực sự hiểu rõ những gì là sai và cái gì là đúng, không chỉ về golf mà còn cả mọi thứ trong cuộc sống. Không dễ dàng gì với Colin, khi giúp tôi từ một cậu bé quậy phá thành một Jason Day của hiện tại. Có thể nói, đó là một chặng đường khá điên rồ với chúng tôi", Day tâm sự.

Day thực ra đã bắt đầu khóc từ khi chưa kết thúc hố thứ 18 tại Whistling Straits, bởi rất nhiều cảm xúc đã ùa tới khi anh hiểu rõ lần này danh hiệu sẽ không thể tuột khỏi tay. Ngay lúc đó anh đã bắt đầu nghĩ về những người đã hy sinh quá nhiều để anh được có mặt và chiến thắng tại một giải major. Đó là mẹ anh, các chị gái và cả người cha quá cố.

Day đã có cơ hội vô địch major vài lần trước đó, nhưng chưa bao giờ vượt qua được trở ngại cuối cùng. Anh kết thúc Masters 2011 ở vị trí thứ hai, là á quân ở US Open 2011 và tiếp tục lại là á quân US Open 2013. Ở US Open 2015 hồi tháng sáu, anh quỵ ngã ngay trên sân đấu khi đánh hố cuối vòng hai, nhưng sau đó vẫn cố gắng chơi tiếp và thua nhà vô địch Spieth năm gậy. Tại Open Championship ở Scotland hồi tháng trước, anh đứng đồng vị trí thứ bốn.
Jason Day: Từ nghèo khó vươn tới đỉnh cao danh hiệu major
US PGA là giải major đầu tiên Day đăng quang. Ảnh: Reuters.

Còn chủ nhật tuần qua thì khác, đó là ngày của Day. “Ở hố 18, khi cú gạt đầu tiên đưa bóng đi được khoảng nửa bàn chân, thì tôi đã bắt đầu khóc vì tôi cảm thấy mình như một đưa trẻ”, Day nói về hố cuối cùng của anh hôm chủ nhật, tại US PGA.

Anh nói tiếp: “Tôi đã không nghĩ rằng sẽ có nhiều cảm xúc trào dâng trong tôi như thế. Tôi không thể tin được rằng một gã trai như tôi sẽ khóc. Nhưng tôi thực ra cũng giống như các nhà vô địch major khác, khi họ cũng đã khóc khi đăng quang. Tôi không nghĩ mình sẽ khóc bởi vì tôi đã chờ đợi khoảnh khắc đó quá lâu. Tôi đã phải đi cả một chặng đường dài, qua những nỗi đau và nhiều sự thất vọng, khi không thể giành được danh hiệu major dù đã nhiều lần ở rất gần nó. Nhưng giờ thì tôi cảm thấy thực sự tuyệt vời”.

Nguồn: Thể thao Vnexpress

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Golf thủ 'lòe loẹt' nổi giận ném gậy xuống hồ Michigan

John Daly, golf thủ Mỹ 49 tuổi nhưng thường xuất hiện trên sân đấu với trang phục có nhiều họa tiết rực rỡ, hôm qua trút tức giận vào gậy golf khi đánh quá tới bảy gậy ở một hố của vòng đấu thứ hai giải US PGA.
 
Golf thủ lòe loẹt nổi giận ném gậy xuống hồ Michigan
Ảnh minh họa
 
John Daly hoàn tất vòng đầu với tổng số 73 gậy, tức quá tiêu chuẩn par một gậy. Đây là thành tích đương nhiên không tốt tại một giải major, nhưng cũng không phải là khủng khiếp với một golf thủ đã gần sang tuổi 50.

Ở vòng hai, mọi thứ diễn ra theo hướng tồi tệ hơn với ông. Ở hố thứ bảy có tiêu chuẩn par 3 gậy, Daly đã có tới ba lần đưa bóng xuống hồ Michigan ngay từ điểm phát bóng. Sau gậy thứ bảy đưa bóng tới vị trí an toàn ở phía bên trái của khu vực hố cờ, ông bước thêm vài bước rồi ném mạnh gậy golf, khiến nó bay vào vách đá bên hồ và rơi xuống nước. Sau đó, ông dùng gậy khác và mất thêm ba lần gạt mới đưa được bóng xuống hố, tổng cộng mất tới 10 gậy cho hố có par chỉ là ba gậy.

Đây chỉ là hố có độ khó thứ bảy tại Whistling Straits, nhưng với Daly nó là số một.

Một cậu bé trên một chiếc thuyền máy đã may mắn vớt được cây gậy làm món quà lưu niệm.

John Patrick Daly đã có hai danh hiệu major trong sự nghiệp: The Open 1995 và US PGA 1991.
 
Nguồn: Thể thao Vnexpress

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Tiger Woods đánh quá ba gậy ở vòng một PGA Championship

Golf thủ cựu số một thế giới tiếp tục thể hiện phong độ kém cỏi, ở giải major cuối cùng trong năm 2015.

Các golf thủ dẫn đầu: -6 D Johnson (Mỹ); -5 D Lingmerth (Thuỵ Sỹ); -4 R Henley (Mỹ), M Kuchar (Mỹ), H English (Mỹ), JB Holmes (Mỹ), J Day (Australia), D Lee (New Zealand), M Jones (Australia); -3 T Bjorn (Đan Mạch), J Rose (Anh), J Morrison (Anh). Một số người khác: -1 R McIlroy (Bắc Ireland), J Spieth (Mỹ); +3 T Woods (Mỹ)
 
Tiger Woods đánh quá ba gậy ở vòng một PGA Championship
Khâu gạt bóng là điểm đen trong lối chơi của Tiger hôm qua 13/8. Ảnh: DM.

Tiger đánh 75 gậy, trong khi tiêu chuẩn là par 72.

Cách đây không lâu, anh lần đầu tiên trong sự nghiệp bị cắt loại liên tiếp ở hai giải major US Open và Open Championship. Và với những gì diễn ra ở vòng đầu tiên, golf thủ đang đứng thứ 278 thế giới lại đối mặt với nguy cơ sớm rời cuộc chơi. Ở Whistling Straits hôm qua, anh ghi năm bogey và hai birdie.

"Tôi đã đánh bóng rất tốt, nhưng thực thế thì chẳng tạo được gì", golf thủ từng 14 lần vô địch các giải major nói. "Có lẽ đây là một trong những vòng đấu mà khâu gạt bóng của tôi tệ nhất, trong một thời gian rất dài đã qua. Tôi không cảm nhận được tốc độ trên các green. Thật đáng xấu hổ. Những cú đẩy lúc thì quá ngắn lúc thì quá dài".

"Tin mừng là tôi đã kiểm soát được hoàn toàn trái bóng - ngay cả với điều kiện còn thách thức hơn thế này".

Đúng như Tiger nói, sau khi khởi đầu từ hố 9, cùng Martin Kaymer và Keegan Bradley, anh bảy lần liên tiếp green in regulation (GIR, đưa bóng lên green với ít nhất hai gậy thấp hơn điểm par). Tuy nhiên những gì anh có được chỉ là một birdie và một bogey. Sau khi mất thêm một gậy ở hố 18, ngôi sao người Mỹ càng đánh tệ hơn trên green, dẫn đến việc ghi thêm ba bogey và một birdie.

Cả ngày Tiger tổng cộng sử dụng 33 gậy gạt và trung bình 1,917 gậy gạt trên mỗi green.
 
Nguồn: Thể thao Vnexpress

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Spieth: Vượt qua nhát cắt, rồi mới nghĩ đến danh hiệu ở PGA

Golf thủ số hai thế giới sẽ trở thành người hiếm hoi thắng tới ba giải major cùng một năm nếu vô địch tại US PGA tuần này, nhưng trước đó anh cần phải lần đầu tiên vượt qua được nhát cắt loại của giải major trên đất Mỹ này.

Jordan Spieth mới sang tuổi 22 tháng trước, nhưng anh đã sớm khẳng định được tên tuổi trong nhóm các golf thủ hàng đầu thế giới hiện nay khi giành được cả hai danh hiệu major đầu tiên trong năm 2015: Masters và US Open.

Ở giải The Open hồi tháng trước tại Scotland, tài năng người Mỹ đứng đồng vị trí thứ bốn khi lỡ cơ hội đánh play-off. Anh đã không thể hoàn thành giấc mơ Grand Slam 2015 (đoạt cả bốn major), nhưng vẫn còn cơ hội giành “American Slam” (thắng ba giải major trên đất Mỹ).
 
Spieth: Vượt qua nhát cắt, rồi mới nghĩ đến danh hiệu ở PGA
Spieth đang đứng trước cơ hội đi vào lịch sử, nhưng anh tỏ ra thận trọng. Ảnh: Reuters.

Nếu đăng quang ở Whistling Straits tuần này, Spieth sẽ trở thành golf thủ thứ ba trong kỷ nguyên golf hiện đại giành được ba chức vô địch major trong cùng một năm thi đấu, sau Ben Hogan (1953) và Tiger Woods (2000).

Nhưng trước khi có thể ghi dấu ấn vào lịch sử, Spieth cần phải vượt qua được nhát cắt loại của US PGA. Trước đó, anh đã không thể giành quyền tham gia hai vòng cuối của cả giải đấu năm 2013 lẫn 2014. Giới chuyên môn đánh giá rằng Spieth không phải là golf thủ hàng đầu ở hai chỉ số thống kê sau: thành tích tại các hố có par tiêu chuẩn 5 gậy, và tỷ lệ cứu bóng trên cát. Đây lại chính là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng thành công của các golf thủ ở US PGA lần này, diễn ra từ ngày 13 đến 16/8.

Không chỉ riêng tại PGA Championship, Spieth đã coi việc vượt qua nhát cắt loại là mục tiêu đầu tiên của anh tại cả bốn giải major trong năm 2015.

"Tôi vẫn chưa hoàn thành mục tiêu vượt qua nhát cắt của cả bốn giải major mà tôi đặt ra ngay từ đầu năm nay, bởi phía trước là US PGA hứa hẹn khó khăn. Tôi cũng muốn cạnh tranh để có cơ hội thắng ít nhất một trong bốn giải major. Đến giờ, mọi thứ đã đi theo đúng hướng kế hoạch với hai major đã có trong tay, nhưng nửa đầu tiên của mục tiêu chung đó thì vẫn chưa hoàn tất. Bởi vậy tôi sẽ có không ít việc phải làm trong hai ngày đầu tiên tại US PGA, để từ đó tôi sẽ điều chỉnh và có thể cố gắng giành được major thứ ba trong năm, qua đó có một chỗ đứng tuyệt vời trong lịch sử golf hiện đại”, Spieth phát biểu hôm thứ tư, một ngày trước vòng đầu của giải major cuối cùng trong năm.

“Trong hai giải major đầu tiên của năm, tôi đã có cơ hội chiến thắng cả giải sau khi vượt qua hai vòng đầu, và tôi đã không bỏ qua. Vượt qua nhát cắt là phần việc khó nhất đối với tôi. Bởi vậy tuần này tôi sẽ cố gắng để mình lại ở vào vị trí đó, có mặt ở hai vòng cuối, và xem liệu tôi có thể cải thiện thành tích so với lần bỏ lỡ thời cơ vô địch tại The Open tháng trước”, Spieth nói thêm.
 
Spieth: Vượt qua nhát cắt, rồi mới nghĩ đến danh hiệu ở PGA
Spieth có thể soán vị trí số một của McIlroy nếu đăng quang tại PGA cuối tuần này. Ảnh: Reuters.

Thành tích thi đấu tuần này còn là cơ hội để Spieth đoạt vị trí số một từ tay Rory McIlroy, qua đó lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng thế giới.

“Đó chỉ là một mục tiêu sự nghiệp mà tôi muốn đạt được ở một thời điểm nào đó. Nhưng xét theo những gì đã xảy ra năm nay, tôi tin tôi sẽ giành được vị trí số một không sớm thì muộn và có thể nắm giữ nó một thời gian”, Spieth nói về khả năng lên ngôi số một thế giới.

Spieth, đương kim vô địch McIlroy và nhà tân vô địch British Open Zach Johnson sẽ cùng chơi ở nhóm hấp dẫn trong hai vòng đầu của US PGA.

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Nadal cảnh báo: Tôi đã trở lại, lợi hại như xưa

Rafa Nadal cho rằng anh đã tìm lại sự tự tin sau quãng thời gian sa sút phong độ nghiêm trọng từ đầu năm.

Cựu số 1 thế giới đã có mặt ở Canada tuần qua để bắt đầu tham gia các giải đấu trên mặt sân cứng ở Bắc Mỹ. Nadal vừa vô địch giải Hamburg Open và anh tỏ ra rất tự tin sau khi có danh hiệu thứ 3 kể từ đầu năm. Tay vợt 14 lần vô địch Grand Slam hy vọng tiếp tục tiến lên khi anh đặt mục tiêu giành danh hiệu thứ 4 trong năm bằng một chiến thắng ở Rogers Cup.
 
Nadal cảnh báo: Tôi đã trở lại, lợi hại như xưa
Nadal đích thực có trở lại trong thời gian tới?

 
“Tâm lý của tôi hiện rất ổn định. Đó là điều tôi không duy trì được thường xuyên kể từ đầu năm. Vấn đề luôn là bạn phải điều chỉnh thứ tennis của mình. Bạn có thể đánh bóng bằng cách khác nhưng cuối cùng vấn đề vẫn là tâm lý của bạn. Tôi cảm thấy tinh thần của mình trong giải Hamburg Open rất tốt. Từ đầu năm đến giờ tinh thần của tôi trồi sụt thất thường. Nhưng ở giải Hamburg Open thì không. Tôi đã chơi tốt”.

Nhà vô địch US Open hai lần là hạt giống số 7 ở Rogers Cup 2015. Rất có thể anh sẽ chạm trán tay vợt hạng 4 thế giới Nishikori ở tứ kết Rogers Cup.

Chúng ta có thể nhìn nhận thế nào về những tuyên bố của Nadal?  Đây là vấn đề tâm lý học trong thể thao hay Nadal thực sự đã tìm lại được niềm tin? Không thể đưa ra kết luận gì ngay lúc này. Ngay cả trong một vài thời điểm chơi tốt trước đó ở mùa này, Nadal thường tỏ ra thận trọng khi dự báo về sự trở lại đỉnh cao của chính anh. Vậy nên chúng ta có xu hướng tin những gì anh nói là niềm tin có thật sau khi anh giành chiến thắng ở giải Hamburg Open mới đây.

Ở những thời điểm có phong độ cao nhất kể từ đầu năm  (Nadal thừa nhận là không nhiều), Nadal có vẻ như rất sung sức và có kỹ thuật tuyệt vời. Nhưng việc anh không thể duy trì phong độ ấy đã khiến người ta bị sốc, đặc biệt khi anh liên tiếp thất bại ở các giải đấu quan trọng như Monte Carlo Masters, Rome Masters, Madrid Masters, Roland Garros và bị loại sớm ở Wimbledon.

Như thế, liệu có thể tin là Nadal đã thực sự khôi phục được niềm tin hay không? Đó là điều quan trọng nhất anh đã không có được kể từ đầu năm.  Hy vọng là anh thực sự đã tìm lại sự tự tin vì vắng anh ở top đầu ATP, chúng ta đã phải chứng kiến một thứ tennis nghèo nàn hơn.
 
Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Golf giúp cho trẻ trưởng thành

Nhiều người sẽ tự hỏi liệu một đứa trẻ 5-6 tuổi có thể chơi golf được hay không, thực tế hằng năm giải vô địch golf trẻ thế giới vẫn diễn ra ở San Diego, California (Mỹ) trong tháng 7 và bao gồm mọi lứa tuổi từ U6 cho đến U17.
 
olf giúp cho trẻ trưởng thành

Ra đời năm 1968, giải vô địch golf trẻ thế giới lần đầu tiên chỉ có 475 golf thủ đến từ 20 bang của Mỹ và sáu quốc gia khác. Theo thời gian, đây được xem là giải trẻ uy tín nhất thế giới, với sự tham dự của tất cả các bang trên toàn Mỹ và hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Điều thú vị ở chỗ là trong khi giải vô địch golf trẻ thế giới từng có những nhà vô địch như Ernie Els, Phil Mickelson hay Tiger Woods, việc tập luyện và thi đấu cũng giúp cho trẻ em ở mọi lứa tuổi hoàn thiện kỹ năng của golf và nhân cách sống. Thậm chí, golf đã mang lại cho trẻ em rất nhiều bài học cuộc sống giá trị và có thể giúp chúng có sự chuẩn bị rất tốt về sau này trong vai trò của một golf thủ chuyên nghiệp hoặc ở một công việc khác.

1. Khiêm tốn và tôn trọng

Golf đòi hỏi người chơi cho thấy sự nhã nhặn, lịch sự đối với những người khác và điều này được thể hiện trong cách giao tiếp với sự tôn trọng lẫn nhau của trẻ. Ở các giải golf trẻ tại Mỹ hay châu Âu, tinh thần thể thao luôn được thể hiện rất rõ và sau mỗi cuộc chơi, chúng đều kết thúc bằng một cái bắt tay thân thiện.

2. Đúng giờ

Khi lịch thi đấu của giải thông báo "Thời gian đánh vào lúc 9 giờ," điều này có nghĩa trẻ phải có mặt trên sân vào lúc 8 giờ 55 phút. Nếu vào sân muộn, người chơi nghiễm nhiên bị loại và khỏi cần thắc mắc. Trong khi đây là một bài học rất khó cho trẻ, nó thực sự có ý nghĩa trong việc giáo dục trẻ học cách làm mọi việc đúng giờ, không chỉ ở các giải golf mà còn trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

3. Thành thật

Golf là môn thể thao cao quý và lịch sự, vì thế, việc nhận ra một lỗi vi phạm và chấp nhận phạm quy là một phần của cuộc chơi. Điều này giúp trẻ luôn thành thật và trung thực trong mọi việc.

4. An toàn

Bóng golf và gậy golf là những dụng cụ cứng, nguy hiểm, do vậy, một trong những quy định đầu tiên và quan trọng nhất của golf là sự an toàn. Đối với trẻ trong mọi lứa tuổi, chúng luôn được chỉ dẫn cẩn thận về những điều như không được đánh bóng theo hướng của người khác, không được đánh bóng khi có ai đó đang đi và không bao giờ được đánh bóng vào đám đông ở trước mặt. Dạy cho trẻ những quy định an toàn ở golf cũng sẽ có tác dụng trong cuộc sống, ở các môn thể thao khác như đạp xe, bơi lội…

5. Yên lặng

Golf đòi hỏi sự tập trung cao độ và để có được điều đó, yên lặng là yêu cầu bắt buộc trên mọi sân golf. Nếu trẻ đã tập và chơi golf, chúng sẽ học được kỹ năng này và đây cũng là một thái độ thể hiện sự tôn trọng với những người xung quanh.

6. Quan sát

Trước và trong một giải đấu, trẻ có nhiều thời gian để quan sát và học hỏi. Không khí yên lặng trên sân golf sẽ giúp chúng có thể tập trung hơn và đưa ra những quyết định hợp lý. Kỹ năng này là cơ sở để trẻ học cách suy nghĩ và hành động một cách cẩn thận trong mọi việc.

7. Đối mặt với thất bại

Thất bại xảy ra thường xuyên. Khi thất bại xuất hiện, trẻ sẽ có những lựa chọn để giải quyết. Nó có thể khiến trẻ thất vọng, sợ hãi nhưng chúng cũng có thể thấy đó là bình thường. Điều quan trọng là trẻ đối mặt với thất bại như thế nào, biết phân tích, học hỏi và vượt qua hay không.

8. Đối mặt với khó khăn

Mưa, gió, cây, bẫy cát, rãnh nước có thể tạo ra những thách thức cho người chơi trên bất cứ sân golf nào. Đây là một phần của cuộc chơi và giúp trẻ học cách giải quyết rắc rối khi chúng đối mặt với những thách thức đó.

9. Sự tập trung

Golf là một môn thể thao khó khăn. Nó đòi hỏi người chơi không chỉ có thể lực để thực hiện các cú đánh xa và chính xác mà còn đòi hỏi bản lĩnh, sự tập trung. Bình thản và bình tĩnh sau một cú đánh hỏng là rất quan trọng để trẻ học được cách tập trung. Đây là một kỹ năng quan trọng và giúp trẻ trưởng thành hơn trong cuộc sống.

10. Tập luyện, kiên trì, và lắng nghe

Trong golf, thành công liên tục là rất hiếm hoi. Nói cách khác, ranh giới giữa thành công và thất bại là rất nhỏ, đòi hỏi trẻ luôn phải tập luyện hằng ngày, kiên trì và sẵn sàng lắng nghe những lời khuyên của HLV. Trong cuộc sống, trẻ sẽ nhận ra rằng, chúng ta hiếm khi đạt được mục tiêu của mình nếu không nỗ lực. Chỉ có tập luyện, cố gắng và học hỏi, chúng ta mới vượt qua được mọi khó khăn.

11. Sự tử tế

Một trong những bài học quan trọng trong cuộc sống mà người chơi học được từ golf là sự tử tế và thái độ tôn trọng với người lớn. Sau mỗi giải đấu, trẻ đều biết cám ơn và bắt tay ban tổ chức, như thể chúng vừa trải qua một khóa học.

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Lý Hoàng Nam vào vòng loại 3 giải F26 Futures

Giành chiến thắng 6-7(4/7), 6-0 và 6-1 trước Christian Fellinem, Lý Hoàng Nam sẽ gặp Bjoern Petersen ở vòng loại 3 giải F26 Futures.

Trước đó, Hoàng Nam đã vượt qua tay vợt người Mỹ Kevin Lynch ở trận mở màn giải F26 Futures 2015 với chiến thắng 6-3, 6-1 và giành quyền vào vòng loại 2 gặp tay vợt người Ý Christian Felline.

Set 1, 2 tay vợt thi đấu giằng co và lợi thế thể lực đã giúp Felline giành chiến thắng ở loạt tie-break với tỷ số 7-4.

Sang set 2, Lý Hoàng Nam bắt đầu nóng máy và dễ dàng có chiến thắng áp đảo với tỷ số 6-0.
 
Lý Hoàng Nam vào vòng loại 3 giải F26 Futures
Hoàng Nam sẽ tham dự 3 giải Men's Futures ở Ai Cập

Ở set 3 quyết định, Felline có phần buông xuôi khi để Hoàng Nam giành chiến thắng với tỷ số 6-1, qua đó khép lại trận đấu với tỷ số chung cuộc 2-1.

Với chiến thắng này, Nam sẽ gặp tay vợt sinh năm 1997 người Đức Petersen Bjoern hạng 1.850 TG ở vòng loại 3 giải F26 Futures diễn ra tại sân đấu thứ 2 lúc 21h30 (sau trận đấu Olexiy Kolisnyk [3] vs Santiago Fa Rodriguez Taverna), người trước đó cũng có chiến thắng 6-2, 6-1 trước Killian Davanzo.
 
Lý Hoàng Nam vào vòng loại 3 giải F26 Futures
Petersen Bjoern

Giải F26 Futures 2015 diễn ra tại Ai Cập từ ngày 10-16/8.
 
Nguồn: Thể thao 247

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Lý Hoàng Nam là hạt giống số 12 tại giải quần vợt trẻ US Open 2015

Lý Hoàng Nam là hạt giống số 12 tại giải quần vợt trẻ US Open 2015
  Vào ngày 6/9 sắp tới, tay vợt Lý Hoàng Nam sẽ chính thức bước vào tranh tài ở giải Mỹ mở rộng, Grand Slam cuối cùng trong năm 2015. Theo kết quả phân hạng, tay vợt Việt Nam được chọn làm hạt giống số 12 ở giải năm nay, đây cũng là thứ hạng của Hoàng Nam hiện nay trên bảng xếp hạng ITF.

Sau thành công với chức vô địch đầy bất ngờ tại Wimbledon vừa qua ở nội dung đánh đôi, Hoàng Nam đã gây được rất nhiều chú ý. Tuy nhiên tay vợt đang khoác áo B.Bình Dương cho biết anh vẫn tập trung chủ yếu cho nội dung đánh đơn và coi đó là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của sự nghiệp.

Cũng theo đơn vị chủ quản của Hoàng Nam, sau khi ghép cặp với Nagal và lên ngôi bất ngờ ở Vương quốc Anh, 2 tay vợt này sẽ không còn đứng chung với nhau bởi tay vợt Ấn Độ sẽ không tham dự giải Mỹ mở rộng. Người sẽ đứng chung với Hoàng Nam ở giải Mỹ mở rộng sắp tới là Akira Santillan.

Những ai đã từng theo dõi giải trẻ chắc không xa lạ gì Santillan, tay vợt Nhật Bản chính là người cùng với Opelka (Mỹ) lọt vào chung kết Wimbledon trẻ vừa qua và để thua cặp Hoàng Nam/ Nagal với tỉ số 6-7, 4-6.

Akira Santillan hiện đang đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng ITF, có sở trường giao bóng (trên 200km/h) cùng những cú thuận tay ổn định. Tay vợt này luôn là đối thủ rất khó chịu đối với Hoàng Nam.

Trong cả 2 lần gặp nhau kể từ đầu năm đến nay, Santillan luôn là người chiến thắng, đầu tiên là ở vòng 1/32 giải trẻ Australia mở rộng đầu năm, và mới đây, chính Santillan đã đánh bại Hoàng Nam ở trận chung kết Chang Thailand ITF Junior G1.

Theo kế hoạch, để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng sắp tới, Lý Hoàng Nam đã cùng HLV Cristian Brydniak lên đường sang Ai Cập để tham dự 3 giải Men Futures cho đến cuối tháng trước khi di chuyển qua Mỹ, đầu tiên sẽ là giải F26 Futures.

Dù trước đó đã đăng kí thi đấu ở Thái Lan, nhưng đến phút cuối B.Bình Dương quyết định đưa Hoàng Nam sang Ai Cập với niềm tin Nam sẽ tiến xa hơn tại những giải đấu này, hòng tích điểm để bước vào thi đấu chuyên nghiệp trong năm 2016. Hiện Lý Hoàng Nam đang xếp hạng 1.312 thế giới.
 
Nguồn: Theo Thể thao văn hóa

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Golf thủ nhí Việt Nam đứng hạng 5 giải đấu tại Mỹ

Alvin Đặng Minh Anh đánh dư ba gậy sau ba ngày thi đấu tại giải US Kids Golf World Championship 2015.
 
Golf thủ nhí Việt Nam đứng hạng 5 giải đấu tại Mỹ
Minh Anh nhận Cup lưu niệm từ ban tổ chức.

Sau ngày đầu tiên đánh 39 gậy (dư ba gậy so với tiêu chuẩn par 36 ở vòng đấu chín hố), Minh Anh thi đấu ổn định ở hai ngày tiếp theo. Ở ngày thi đấu thứ ba, cũng là vòng cuối cùng, Minh Anh birdie ngay hố 3. Sau khi bogey ở hố 4 và hố 5, tài năng nhí này tiếp tục birdie ở hố 9.

Chung cuộc Minh Anh đánh 111 gậy, dư ba gậy so với tiêu chuẩn, vươn lên thứ năm trong bảng đấu dành cho những golf thủ nam dưới 7 tuổi. Đoạt chức vô địch là tài năng nước chủ nhà Mỹ Phillip Dunham (sáu gậy âm).

Anh trai của Minh Anh là Andy Đặng Quang Anh đã có một giải đấu không thực sự thành công. Ở vòng cuối cùng, em bogey ở các hố đánh số 4, 7, 10 và chỉ ghi được một birdie ở hố số 17. Quang Anh qua đó kết thúc giải đấu với thành tích bảy gậy dương, xếp đồng hạng 32 ở bảng Boys 10.

Quang Anh từng đoạt vị trí á quân giải U8 và U9 thế giới những năm trước. Ở sân chơi trong nước, cậu cả nhà doanh nhân Đặng Hồng Anh từng về nhì giải U10 và vô địch giải U11 quốc gia.
 
Golf thủ nhí Việt Nam đứng hạng 5 giải đấu tại Mỹ
Quang Anh (áo xám) và Minh Anh chụp ảnh cùng gia đình.

US Kids Golf World Championship là sự kiện lớn nhất thế giới dành cho các golf thủ nhí dưới 12 tuổi. Ở giải năm nay, diễn ra tại Little River Golf & Resort (Mỹ), có đến 1.500 người tham dự đến từ 100 nước khác nhau.

Nguồn: Vnexpress

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

McIlroy khó dự major cuối của năm

Chấn thương mắt cá chân của Rory McIlroy đã tiến triển tốt nhưng anh vẫn khó dự PGA Championship (13-16/8).

McIlroy vẫn khó dự major cuối của năm


McIlroy đã phải rút lui khỏi giải Bridgestone Invitational diễn ra trong tuần này. Nhiều khả năng ở tuần kế tiếp, tay golf số 1 thế giới vẫn chưa thể trở lại khi chấn thương mắt cá chân còn trong giai đoạn hồi phục.

“Mặc dù quá trình hồi phục diễn ra tốt nhưng tôi chỉ muốn trở lại thi đấu khi tôi cảm thấy khỏe mạnh 100% và có sức cạnh tranh tốt nhất”, McIlroy nói.

McIlroy khó dự major cuối của năm
McIlroy không muốn mạo hiểm trở lại sớm

Trong khi người phát ngôn của McIlroy khẳng định tình hình chấn thương của tay golf người Bắc Ailen sẽ được cập nhật liên tục để người hâm mộ nắm. Ông cũng cho hay, thứ Năm này, có thể McIlroy được chẩn đoán một lần nữa về cơ hội dự PGA Championship.

Tiger Woods vỡ mộng “giải cơn khát danh hiệu”

Chơi vòng 1 và 2 giải Quicken Loans National tốt nhưng Woods lại mất phong độ ở vòng 3. Điều đó khiến cho cơ hội tranh chức vô địch trong ngày chung kết của anh trở nên nhỏ nhoi vì khoảng cách so với các đối thủ phía trên đã khá mênh mông. Rất nỗ lực, Woods đạt âm 3 gậy ở vòng 4, đưa thành tích tổng thành âm 8 gậy, xếp đồng hạng 18.
 
McIlroy khó dự major cuối của năm
Tiger Woods vẫn chưa thể có danh hiệu giải khát

Troy Merritt lần đầu vô địch PGA Tour

Ở tuổi 29, Troy Merritt đã được hưởng “quả ngọt đầu đời” khi đăng quang Quicken Loans National với thành tích âm 18 gậy. Anh đã phải chiến đấu quyết liệt trước sự cạnh tranh của những đối thủ lớn như Rickie Fowler, Justin Rose, Carl Pettersson… ở vòng cuối.
 
McIlroy khó dự major cuối của năm
Chiến thắng đầy cảm xúc của Merritt

Thần đồng Lydia Ko lại lỡ hẹn với danh hiệu lớn

Khởi đầu mĩ mãn với 66 gậy (âm 6) ở vòng 1 nhưng sau đó, tay golf gốc Hàn Quốc lại thiếu ổn định nên chỉ về thứ 3 tại giải Ricoh Women's British Open. Nhà vô địch là  Inbee Park (âm 12 gậy), người đã soán ngôi số 1 thế giới của Lydia Ko cách đây ít tháng.

Nguồn: Thể thao 24h

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Tiger Woods lỡ cơ hội ở Quicken Loans National

Vòng đấu thứ ba tai hại khiến golf thủ cựu số một thế giới không thể chấm dứt cơn khát danh hiệu. Vô địch giải đấu là Troy Merritt vốn ít tên tuổi và trước đó chưa từng đăng quang một giải đấu nào ở PGA Tour.
 
Tiger Woods lỡ cơ hội ở Quicken Loans National
Merritt nhận 1,2 triệu đôla cho chiến thắng lần này. Ảnh: AP.

Troy Merritt đánh 67 gậy, ít hơn bốn gậy so với par 71, ở vòng đấu cuối cùng hôm qua. Anh kết thúc giải với 18 gậy âm, trở thành golf thủ thứ 10 mùa này lần đầu vô địch một giải PGA. Trước Merritt chưa có ai lên ngôi ở Quicken Loans National mà có thành tích nghèo nàn ở PGA như vậy.

Bước ngoặt quan trọng đem đến chiến thắng cho golf thủ xếp thứ 180 thế giới ở giải lần này là vòng đấu kỷ lục 61 gậy hôm thứ bảy. Ở chiều ngược lại, đó là vòng đấu tệ hại của Tiger Woods với 74 gậy.

Golf thủ chủ giải đã khởi đầu hứa hẹn với lần lượt 66 gậy và 68 gậy. Anh nhờ đó chen chân vào hạng năm với chỉ ba gậy thua kém người dẫn đầu sau hai vòng đầu tiên. Tiger khi đó đứng trước cơ hội lần đầu tiên vô địch PGA sau gần hai năm.

Tuy nhiên vòng ba dở tệ đã khiến golf thủ từng 14 lần vô địch major phải nối dài cơn khát danh hiệu, dù vòng bốn xuất sắc với thành tích 68 gậy. Chung cuộc Tiger  đứng hạng 18.

Dẫu vậy, 8 gậy âm cũng là điểm số tốt nhất của anh kể từ BMW Championship 2013.
 
Nguồn: Vnexpress

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Vô địch Open Championship 2015: Zach Johnson đã giàu càng giàu hơn

Vị trí của Zach Johnson trên bảng xếp hạng nhưng golf thủ từng giành major là rất khiêm tốn với vỏn vẹn hai danh hiệu Masters và mới nhất là Britis Open 2015 nhưng trong lịch sử PGA Tour, anh là một trong những tay golf kiếm được nhiều tiền nhất.
 
Vô địch Open Championship 2015: Zach Johnson đã giàu càng giàu hơn
 
Một số golf thủ tin rằng, họ có định mệnh trở thành những golf thủ vĩ đại nhưng cũng có nhiều người không bao giờ hy vọng họ có thể đạt được thành công. Trong một thời gian dài, Zach Johnson thuộc về những người sau.

15 năm trước, nếu ai đó cố nói với golf thủ 39 tuổi người Mỹ rằng anh cuối cùng sẽ có cả Masters và Open Championship trong sự nghiệp - một cú đúp không phải tay golf vĩ đại nào cũng làm được - họ sẽ chỉ nhận được một câu trả lời với đầy vẻ chế giễu. "Tôi sẽ nói rằng, 'Chiếc áo nào tôi sẽ mặc và chiếc cúp nào tôi sẽ cầm?'" Johnson đã đùa như thế khi anh ngồi bên cạnh Claret Jug (bình rượu dành cho nhà vô địch British Open) có khắc tên mình trên đó.

Dĩ nhiên, chiếc áo xanh của anh (giải Masters) hiện đang được treo trong phòng truyền thống của Augusta National. Tuy nhiên, trong 8 năm kể từ khi giành Masters, cái tên Johnson gần như biến mất khỏi PGA Tour, trước lúc British Open 2015 đưa anh trở lại vị trí của một trong những golf thủ giàu có nhất.

Hai chiếc cúp sẽ sớm được đặt bên cạnh nhau sau khi Johnson khép lại British Open 2015 đầy kịch tính với vòng play-off giữa anh, Louis Oosthuizen và Marc Leishman. Giờ thì anh có thể chụp chung với hai danh hiệu được đánh giá là giá trị nhất trong hệ thống major và nên nhớ rằng, lịch sử mới chỉ có 13 golf thủ từng giành được một cú đúp như vậy (Sarazen, Sam Snead, Hogan, Palmer, Jack Nicklaus, Watson, Nick Faldo, Ballesteros, Woods...)

Cũng vì giá trị nên chiến thắng trên sân golf Old Course ở St Andrews, Scotland, mang lại cho Johnson khoản tiền thưởng 1,8 triệu USD. Đây là phần thưởng lớn nhất mà golf thủ người Mỹ từng giành được trong sự nghiệp, trong khi ở vị trí sau, Oosthuizen và Leishman chia nhau hơn 1,6 triệu USD cho người đứng thứ hai, với 837.000 USD dành cho mỗi tay golf.

Cũng phải nói thêm rằng, British Open đã tăng số tiền thưởng trong năm 2015 lên 10 triệu USD so với 9,19 triệu USD của năm 2014. Quyết định này được xem như một động thái cạnh tranh với các giải major khác. Chẳng hạn như năm ngoái, PGA Championship đã tăng số tiền thưởng lên 10 triệu USD, trong đó 1,8 triệu USD dành cho người vô địch. Đến năm 2015, Masters và US Open cũng theo chân, và giờ là British Open.

Thậm chí, tiền thưởng không chỉ dành cho Johnson, Oosthuizen hay Leishman. British Open đã có sự phân chia hợp lý cho từng vị trí như á quân nhận hơn 1 triệu USD và tính ra có tám golf thủ nhận được ít nhất từ 305.000 USD trở lên, 29 người nhận được 95.000 USD. Đối với một số tay golf, đây là một trong những khoản tiền thưởng lớn nhất trong sự nghiệp của họ, trong khi với những người khác, họ đã giàu và càng giàu thêm. Chẳng hạn như Jordan Spieth, nhà vô địch Masters và US Open trong năm nay đến British Open với vị trí dẫn đầu PGA Tour cùng 8,7 triệu USD tiền thưởng. Mặc dù bỏ lỡ cơ hội giành major thứ ba trong năm, golf thủ trẻ người Mỹ cũng bỏ túi thêm 460.000 USD và giúp anh tiến gần đến cột mốc 10 triệu USD mà một tay golf từng đạt được là Tiger Woods vào năm 2009.

Vì thế, Claret Jug không chỉ ghi nhận một bước tiến quan trọng sự nghiệp của Johnson mà còn giúp anh trở thành một trong những golf thủ giàu nhất thế giới. Tính từ năm 1998 khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp, golf thủ người Iowa đã kiếm được hơn 37 triệu USD tiền thưởng, đưa anh đứng thứ 11 và ngay sau Adam Scott, trong đó có gần 4 triệu USD chỉ trong năm 2015 này. Ngoài ra, Johnson còn nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo và tài trợ từ gậy golf Titleist, kính Oakley, FootJoy, NetJets, BMW và EA Sports.
  Nguồn: Thể thao văn